Trong văn hóa đại chúng Giấc_mơ

Những câu chuyện trong giấc mơ được khai thác rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhiều phim, kịch, tiểu thuyết, bài hát mô tả câu chuyện của nhân vật trong giấc mơ và nhân vật đó tỉnh giấc với những cảm xúc khác nhau sau đó, có thể là vui sướng, hoặc lo lắng, sợ hãi. Một số phim ảnh của Hollywood đã lấy giấc mơ làm đề tài trung tâm để xây dựng câu chuyện:

  • Loạt phim Matrix (1999-2003): Thomas Anderson là một lập trình viên và cũng là một hacker. Một ngày kia, anh gặp Morpheus. Morpheus sau đó tiết lộ sự thật về thế giới anh đang sống thực chất chỉ là giấc mơ của chính anh, thế giới mà Thomas đang sống chỉ là một "thực tế mô phỏng". Phim Matrix (1999) lọt vào top 250 phim hay nhất mọi thời đại và giành được 4 giải Oscar.[37]
  • Loạt phim A Nightmare on Elm Street (1984-2010): Freddy Krueger là một kẻ sát nhân ác độc, có khả năng xâm nhập vào giấc mơ của một người và giết chết họ trong mơ[38]. Tính đến năm 2010, loạt phim có tổng cộng 9 phần với 7 phần chính thức theo cốt truyện của loạt phim, một phần cross-over Freddy vs. Jason (2003) có sự xuất hiện của Jason Voorhees (kẻ sát nhân trong loạt phim Friday the 13th) và một phần reboot A Nightmare on Elm Street (2010). Phim được đánh giá là một trong những phim kinh dị tiêu biểu của những năm 80, dù chỉ có phần đầu của phim nhận được sự phê bình tích cực của khán giả. Nhân vật Freddy Krueger do diễn viên Robert Englund đóng trong phần đầu của loạt phim đã được bình chọn là một trong 50 vai phản diện tiêu biểu trong danh sách "AFI's 100 Years...100 Heroes & Villains" vào năm 2003.[39]
  • Inception (2010): Dom Cobb là một kẻ trộm đặc biệt có biệt tài là xâm nhập vào giấc mơ của người khác để đánh cắp thông tin. Cobb được giao nhiệm vụ phải xâm nhập vào giấc mơ của một CEO và cài vào tiềm thức anh ta một ý tưởng để làm phá sản công ty đó[40]. Trong phim có rất nhiều kiến thức được trình bày về giấc mơ của con người như thời gian trong giấc mơ dài hơn thực tế, việc con người khống chế các định luật tự nhiên trong mơ, những gì tái hiện lại trong mơ, hiện tượng mơ trong mơ, chuỗi tiềm thức vô định,... Phim đoạt 4 giải Oscar với 204 đề cử và đoạt 152 giải thưởng ở các Liên hoan phim khác[40], phim cũng lọt vào top 250 phim hay nhất mọi thời đại.[37]
  • Playest (tập 2 trong mùa 3 của series phim truyền hình Black Mirror năm 2016): Cooper Redfield, một du khách người Mỹ làm tình nguyện viên để chơi thử một trò chơi thực tế ảo, nhưng sớm nhận ra rằng mình không thể phân biệt được giữa thực và ảo. Tập phim không có đề cập cụ thể về giấc mơ nhưng cốt truyện có yếu tố "thực tế ảo" giống như một giấc mơ cùng với chi tiết về thời gian trong "thực tế ảo" kéo dài hơn thực tế rất nhiều (giống như phim Inception đã trình bày). Thời gian nhân vật Cooper Redfield thực sự chơi trò chơi chỉ kéo dài 0.4 giây, những biến cố xảy ra với Redfield trong suốt thời gian chơi trò chơi đều diễn ra trong 0.4 giây đó với hai lần "thực tế ảo" lồng vào nhau.[41]